(Dân trí) - Mặc dù lời đồn về “ngày tận thế” theo lịch của Maya vẫn nhan nhản, nhưng thế giới chắc chắn sẽ không kết thúc vào sáng ngày mai, thứ bảy. Vậy những người tin vào ngày này sẽ “đối mặt” với cuộc sống vẫn tiếp diễn như thế nào?
Trên khắp thế giới, những người tin vào “ngày tận thế” vào ngày hôm nay 21/12, khi lịch dài của người Maya có vòng đời 5125 năm kết thúc, họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Một số người “cuồng tin” thậm chí còn bán hết nhà, tài sản và bỏ lại những cám dỗ tầm thường ở thế giới văn minh này, tìm nơi trú ẩn ở những vùng “đất thiêng”.
Tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, được biết, người người đã đổ xô đi mua nến để chuẩn bị cho “ngày đen tối” này. Trong khi đó, ở Nga, đồ thực phẩm đóng hộp cùng diêm được bán với số lượng tăng vọt, khiến Thủ tướng Medvedev phải đích thân đứng ra kêu gọi dân chúng bình tĩnh.
Giới chức ở làng Pyrenees, Pháp, đang tìm cách đối phó với dòng người đổ đến núi Pic de Bugarach, bởi người ta đồn đại UFO (đĩa bay của người ngoài hành tinh) sẽ đáp xuống đây cứu nhân loại.
Còn những người không thuộc về một giáo phái nào lại thấy những tiên đoán “tận thế” khá thú vị. Bằng chứng là những bộ phim như 2012, Armageddon và The Day After Tomorrow, phim về thảm họa của toàn cầu, luôn chật kín người xem. Tiểu thuyết có nội dung tương tự “Left Behind” đã được bán hơn 70 triệu bản.
Xét từ thuở bình minh của nền văn minh, con người đã thường tin rằng thế giới sẽ kết thúc. Người Roman đã từng hoảng loạn về dự đoán thành phố của họ sẽ bị phá hủy vào năm 634 trước công nguyên. Hay nỗi lo sợ thiên niên kỷ đã bao trùm châu Âu trước năm 1000 sau công nguyên.
Tương tự như vậy, gần đây nhà truyền giáo trên truyền hình Mỹ Pat Robertson dự đoán “thứ gì đó” giống một vụ tấn công nguyên tử sẽ xảy ra vào cuối năm 2007. Nhà truyền giáo qua đài phát thanh California Harold Camping đã đưa ra ngày tận thế ít nhất 6 lần.
Vậy những người đặt hết niềm tin về lời cảnh báo “tận thế”, khi biết cuộc sống vẫn tiếp diễn như bình thường sẽ ra sao? Thật bất ngờ, theo Lorne Dawson, chuyên gia về xã hội học tín ngưỡng tại Đại học Waterloo, họ vẫn điều chỉnh với thay đổi khá tốt. “Phần lớn dường như nhún vai cho qua lời tiên đoán sai khá dễ dàng”, ông cho hay.
Trong số 75 nhóm được Dawson xác định là đã dự đoán có tận thế, tất cả 6 vẫn không có gì thay đổi sau khi thảm họa không “thành hiện thực”. Thậm chí, các nhóm này càng “nổi” hơn. Ví dụ như nhóm Jehovah's Witnesses đã dự đoán tận thế không biết bao nhiêu lần, song vẫn có hơn 7 triệu người theo.
Một cuộc nghiên cứu về hiện tượng này do nhà tâm lý học Leon Festinger thực hiện vào năm 1956. Ông và các học trò của mình đã thâm nhập vào nhóm tin rằng thế giới sẽ kết thúc và các thành viên sẽ được đĩa bay cứu. Khi cả “tận thế” và đĩa bay không đến, Festinger nhận thấy, lãnh đạo nhóm này tuyên bố vòng tròn nhỏ của các tín đồ “đã phát ra quá nhiều ánh sáng” khiến Chúa “miễn” cho trái đất. Và các tín đồ của bà đã nhanh chóng loan tin tốt này cho những người chưa tin.
Một trường hợp tương tự khác, nhà tâm lý học Simon Dein đã dành thời gian sống cùng cộng đồng người Do thái Lubavitch Hassidic ở Stamford Hill, bắc London. Trong nhiều năm, nhiều người Lubavitch tin rằng vị lãnh tụ tinh thần của họ, Menechem Mendel Schneerson, là Chúa cứu thế. Theo thuyết của họ, ông sẽ báo trước tận thế vào tạo ra một kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, niềm tin của họ đã được “thử lửa” khi “Chúa cứu thế” qua đời ở New York năm 1994. “Tôi đã ở đó khi ông ấy chết”, Dein cho hay. “Họ đã khóc than. Nhưng tâm trạng chung của họ là không tin ông ấy chết. Lẽ nào ông ấy lại chết được?”
Nhưng theo Dein, những người Lubavitch không từ bỏ niềm tin, nhanh chóng “vin” lấy ý tưởng rằng ông vẫn sống, chỉ không nhìn thấy được mà thôi. “Đã có căng thẳng lớn giữa những người tin ông vẫn sống và những người tin ông đã chết. Song cái chết của ông ấy không làm giảm số thành viên trong nhóm”, Dein cho biết.
Một số lãnh đạo nhóm, khi dự đoán sai về “tận thế” chỉ đơn giản đưa ra một “ngày tận thế” mới. Một số khác thì xin lỗi vì đã dự đoán sai. Tuy nhiên, hầu hết đều tìm cách điều chỉnh. “Khi bạn dồn hết niềm tin vào điều gì đó, bạn lại rất muốn “cứu vãn” nó”, Philip Jenkins, nhà lịch sử tôn giáo tại đại học Baylor ở Texas giải thích.
Đăng nhận xét